Tết Nguyên đán – Tết của mọi nhà

Tết Nguyên đán – Tết của mọi nhà

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn và quan trọng nhất trong năm của Việt Nam, là dịp để nhà nhà đoàn tụ, sum vầy cùng tổng kết lại năm cũ và chào đón năm mới. Vậy Tết Nguyên đán bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống văn hoá người Việt. Hãy cùng Madiad khám phá trong bài viết sau đây nhé!

Tùy theo vùng miền và văn hóa mà Tết Nguyên đán được gọi với những cái tên khác nhau như: Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết. Về mặt chữ, “nguyên” theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu còn “đán” có nghĩa là buổi sáng sớm, vậy “nguyên đán” tức là buổi sáng khởi đầu của năm mới. Riêng chữ “tết” lại được đọc chệch đi theo âm chữ Hán của chữ “tiết”. Theo lịch của Trung Hoa, xưa kia 1 năm được chia làm 24 tiết và Nguyên đán được coi là tiết đầu tiên trong năm.

Tết Nguyên đán của Việt Nam được tính bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm âm lịch, thông thường sẽ muộn hơn Tết Dương lịch từ 1 đến 2 tháng. Thời gian diễn ra Tết thường kéo dài từ 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng.

Tết Nguyên đán là một trong những nét đẹp văn hoá tiêu biểu của người Việt Nam.

Tết Nguyên đán bắt nguồn từ đâu?

Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của Tết Nguyên đán. Phần lớn thông tin cho rằng Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam vào thời điểm 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì người Việt đã ăn Tết từ thời vua Hùng, tức là trước cả khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc.

Sự tích “Bánh chưng bánh dày” cho rằng người Việt đã ăn Tết từ rất lâu về trước.

Ngay cả Khổng Tử cũng đã viết trong cuốn Kinh Lễ: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”. Như vậy có thể nói Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam. Nhìn chung, Tết Âm lịch của Việt Nam và Trung Quốc có sự ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng vẫn có những đặc trưng riêng của từng quốc gia.

Tết Nguyên đán có ý nghĩa như thế nào đối với văn hoá và người Việt Nam?

Tết Nguyên đán không chỉ được xem là thời điểm giao thoa giữa trời đất, giữa năm cũ và năm mới mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc khác. 

Tết Nguyên đán là dịp để tỏ lòng thành kính lên ông bà tổ tiên

Theo quan niệm từ xưa, vào dịp lễ này ông bà tổ tiên sẽ về nhà ăn Tết cùng con cháu và phù hộ cho gia đình được mạnh khỏe, hòa thuận. Vậy nên con cháu trong nhà sẽ tập trung lại để chuẩn bị và dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên những mâm cơm, mâm ngũ quả trang trọng nhất. 

Các gia đình thường sẽ chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn cúng tổ tiên vào mỗi dịp Tết.

Tết Nguyên đán là ngày may mắn và hy vọng

Từ xưa đến nay luôn có quan niệm rằng Tết Nguyên đán đến sẽ xua đuổi đi những điều không may của năm cũ và đón nhận những niềm hy vọng tốt đẹp hơn cho năm mới. Vào dịp Tết, mọi người rủ nhau đi chùa để cầu phúc và cầu may mắn cho một năm sắp tới. Đây cũng là lúc  nhiều người lựa chọn để mở đầu công việc cho năm và là thời điểm tốt để khởi nghiệp.

Tết Nguyên đán là thời gian để gia đình quây quần bên nhau

Tết là thời điểm mà tất cả mọi người, nhất là những người tha hương cầu thực, mong chờ để được đoàn tụ bên người thân và gia đình, cùng nhau thưởng thức bữa tiệc tất niên ấm cúng. Ngoài ra, đây là cũng là thời gian để con cháu tỏ tạ ơn cho ông bà, cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng bằng tình cảm chân thành nhất hay đơn giản bằng những món quà cho ngày Tết.

Tết là thời điểm cả nhà đoàn viên và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp.

Không thể phủ nhận Tết là dịp đặc biệt quan trọng mà mọi người dân Việt Nam đều háo hức mong đợi. Hy vọng rằng, bài viết trên của Madiad đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của dịp lễ quan trọng này. Kính chúc tất cả mọi người có một cái Tết đầm ấm, sung túc và hạnh phúc bên những người thân yêu!

Bài viết liên quan

Scroll to Top