Theo thống kê năm 2021 từ hãng nghiên cứu thị trường Statista, có hơn 4,26 tỷ người trên thế giới đang sử dụng các trang mạng xã hội và con số này dự kiến sẽ đạt mức gần 6 tỷ vào năm 2027. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu thông qua Social Media Marketing.
Social Media Marketing là gì?
Social Media Marketing (viết tắt: SMM) tạm dịch “Tiếp thị truyền thông xã hội”, là hình thức marketing tận dụng mạng xã hội (social media) như Facebook, Twitter, LinkedIn, Instagram, v.v. để kết nối với người dùng nhằm quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng mới và thúc đẩy lưu lượng truy cập trang web của doanh nghiệp. Cụ thể, SMM liên quan đến việc sử dụng các chiến dịch marketing truyền thông xã hội và một số công cụ khác để sáng tạo nội dung và thông điệp hấp dẫn, qua đó thu hút các đối tượng khách hàng mục tiêu.
Social Media Marketing trở thành công cụ tiếp thị không thể thiếu trong thời buổi công nghệ hiện đại.
Có 6 loại SMM thường gặp.
Social network: là những trang mạng xã hội cho phép những người có cùng sở thích tương tác với nhau. Facebook, Instagram và Twitter là 3 trang social network hàng đầu và được xem là loại hình social media có sức lan tỏa lớn nhất, đặc biệt là ở Việt Nam.
Social news: là những trang mạng cung cấp thông tin, tin tức về tất cả các lĩnh vực hoặc một lĩnh vực chuyên sâu nào đó để thu hút người dùng. Một số trang social news tiêu biểu ở Việt Nam có thể kể đến như vnexpress.net, 24h.com.vn, zingnews.vn, dantri.com.vn, tuoitre.vn, v.v.
Media sharing: là các nền tảng cho phép người dùng kết nối thông qua việc chia sẻ thông tin dưới dạng hình ảnh và video. Hiện nay, YouTube là một trong những nền tảng media sharing thống trị thế giới kể từ khi được ra mắt năm 2005.
Bookmarking: là những trang web cho phép người dùng lưu trữ và quản lý dữ liệu, tìm kiếm, sắp xếp và chia sẻ thông tin dễ dàng. Ở Việt Nam có những trang bookmarking lớn nhất như: linkhay.com, tagvn.com, ishare.vn, buzz.vn, vietclick.com, v.v.
Microblogging: là các trang web cho phép người dùng đăng các bài viết ngắn, có thể bao gồm các liên kết đến các nền tảng xã hội khác. Nền tảng microblogging được biết đến nhiều nhất là Twitter với hơn 321 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Community blog: là nền tảng cho phép một nhóm các tác giả có chung đam mê và lĩnh vực yêu thích kết nối trực tuyến với nhau. Thuthuattienich.com, blogchisekienthuc.com, cộng đồng Isocial là một số ví dụ điển hình cho community blog tại Việt Nam.
Theo kết báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường số Zenit, các nền tảng mạng xã hội sẽ là kênh quảng cáo có sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2021-2024 với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm ước đạt 14,8%. Dự báo từ năm 2022 đến 2024, các nền tảng này sẽ dần thay thế phương thức quảng cáo truyền hình truyền thống. Điều này cho thấy vai trò thiết yếu của Social Media Marketing đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Tại sao Social Media Marketing lại quan trọng đối với doanh nghiệp?
Tăng độ nhận dạng thương hiệu
Thống kê cho thấy mọi người trên toàn thế giới dành trung bình 2 giờ 27 phút mỗi ngày cho các trang social media. Với tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt, những trang mạng này sẽ là cầu nối hiệu quả giúp thương hiệu doanh nghiệp được nhiều người biết đến hơn. SMM cho phép doanh nghiệp kể câu chuyện và truyền tải thông điệp của họ, từ đó tạo sự liên kết giữa thương hiệu và khách hàng khiến họ nhớ tới sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp dễ dàng hơn và lâu hơn.
Thống kê từ nền tảng Sprout Social cho thấy 55% khách hàng tìm hiểu về các thương hiệu hoặc doanh nghiệp thông qua các kênh social media.
Tối ưu các chi phí tiếp thị
Social Media Marketing được đánh giá là phương thức tiếp thị hiệu quả với chi phí hợp lý. Doanh nghiệp có thể tạo tài khoản và đăng nhập miễn phí vào bất kỳ mạng xã hội nào. Việc tận dụng các công cụ có sẵn để thực hiện các chiến dịch quảng cáo sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản phí khổng lồ. Ví dụ, doanh nghiệp có thể đăng bài quảng cáo thông qua tính năng có sẵn như Facebook Reels, Instagram Ads, Twitter Ads, Snapchat Ads, v.v. Mỗi nền tảng mạng xã hội sẽ có những chính sách hỗ trợ quảng cáo khác nhau để doanh nghiệp có thể cân nhắc dựa trên ngân sách và mục đích của chiến dịch SMM.
Cải thiện mức độ tương tác với khách hàng
SMM cho phép doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng qua các kênh truyền thông xã hội, từ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với khách hàng cũng như có thể giữ chân họ lâu dài. Ngoài ra, khách hàng có thể thể giao tiếp với doanh nghiệp thông qua việc nhận xét về các bài đăng. Thường xuyên trả lời bình luận về các bài đăng và luôn kịp thời tư vấn ngay khi khách hàng cần là một trong những cách tốt nhất để tạo sự gắn kết với khách hàng, giúp tăng tương tác và khiến khách hàng không lãng quên doanh nghiệp.
Tối ưu trải nghiệm khách hàng
SMM cung cấp các công cụ phân tích hành vi khách hàng, giúp doanh nghiệp hiểu rõ về tâm lý, khuynh hướng và những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của khách, từ đó xây dựng chiến lược nâng cao trải nghiệm người dùng giúp thúc đẩy hoạt động mua sắm và sử dụng dịch vụ. Một số công cụ SMM được các chuyên gia khuyên dùng có thể được liệt kê như Buffer, Social Clout, Feedly, Canva, Socedo, Edgar, v.v.
78% khách hàng sẵn sàng mua sản phẩm khi có trải nghiệm tốt với doanh nghiệp trên các trang social media (theo Sprout Social).
Những lợi ích tuyệt vời trên đã cho thấy Social Media Marketing là công cụ quảng bá thương hiệu số 1 mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không nên bỏ qua trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Nếu biết cách khai thác Social Media Marketing triệt để và đúng cách, doanh nghiệp sẽ có thể đạt được hiệu quả kinh doanh vượt trội và ghi dấu ấn trên thị trường.