Một trong những hình thức tiếp thị lan truyền phổ biến, đại diện cho sự phát triển của thị trường trực tuyến là “meme marketing”.
Trong khoảng thời gian gần đây, ta có thể thấy sự phát triển của những page giải trí nhắm vào đối tượng Gen Z, điển hình như Insight Mất Lòng. Chỉ sau gần 5 tháng (từ 29/3/2021), Insight Mất Lòng đã thu hút về hơn 126.000 lượt theo dõi, 80.000 lượt like page và trung bình khoảng hơn 1.000 tương tác cho một bài đăng. Sử dụng hình thức Marketing bằng “meme” – dạng content ngắn, phản ánh hành vi của những người hoạt động trong ngành truyền thông vừa ngắn gọn vừa dễ hiểu đã góp phần tạo nên sự phát triển của Insight Mất Lòng.
Meme và marketing bằng meme là gì?
“Meme” ra đời vào năm 1976 và được định nghĩa bởi Nhà sinh học tiến hoá Richard Dawkins trong tựa sách “The Selfish Gene”. Từ “meme” được Dawkins sử dụng để mô tả quan điểm, ý tưởng, hành vi được nhanh chóng lan truyền giữa người với người trong cùng một nền văn hoá.
Có thể nói, marketing bằng meme là một nhánh nhỏ hơn của viral marketing và mục đích của meme trong marketing đã được thương mại hoá chứ không chỉ đơn thuần là mua vui.
Vào những năm 2000, khi internet bắt đầu phát triển trên thế giới, định nghĩa của “meme” dần bị thay thế bởi “internet meme” nhằm mô tả những hình ảnh, video vui nhộn được sử dụng và chế tác lại bởi nhiều tác giả khác nhau. Về cơ bản, nó vẫn giữ được bản chất là sự lan truyền nhanh chóng trong một cộng đồng. Điểm khác nhau duy nhất đó chính là, thay vì được lan truyền ngẫu nhiên và qua chọn lọc của não bộ, internet meme lan truyền hoàn toàn qua sự sáng tạo của con người.
Tựa sách The Selfish Gene – Richard Dawkins
Nguồn: Goodreads
Tại sao marketing bằng meme lại thành công đến vậy?
Theo nghiên cứu của Martech, không chỉ riêng Gen Z mà các Gen khác đều coi trọng yếu tố hài hước trong bài đăng và video quảng cáo. Có đến 60% Gen X và Gen Y bị thu hút bởi video quảng cáo có yếu tố hài hước vui nhộn, con số đó tăng lên 72% đối với Gen Z.
Trung bình người trẻ dành 200 phút mỗi ngày để lướt mạng xã hội, phần lớn họ sẽ bắt gặp những bài đăng có sự kết nối với họ. Mặc dù tiếp xúc với nhiều nội dung và bài đăng, người dùng vẫn tỏ ra không hài lòng mỗi khi bắt gặp quảng cáo của nhãn hàng. Vì vậy, các nhãn hàng đã khéo léo áp dụng meme để gỡ bỏ sự không hài lòng đó bằng tính giải trí và biến tấu đa dạng thông điệp. Có thể thấy, meme đang dần trở thành một xu hướng và sẽ là một xu hướng tiếp thị trong tương lai.
Thống kê yếu tố ảnh hưởng đến hành vi xem quảng cáo của các thế hệ
Nguồn: Advertising Vietnam
Tại sao các nhãn hàng sử dụng meme để marketing?
Một cách giải thích đơn giản và thuyết phục nhất là để tăng tương tác. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất ở Durex cùng khả năng bắt trend để tạo ra những meme với lượng engagement “khủng”. Bằng cách sử dụng meme, các nhãn hàng có thể chia sẻ thông tin vui nhộn và in sâu vào tâm trí khách hàng.
Bên cạnh đó, meme cũng góp phần vào quá trình tạo ra cá tính của thương hiệu. Điển hình như BAEMIN, những bức ảnh chú mèo cùng lời nhắn nhủ chân thành, đáng yêu không chỉ tạo cảm tình với khách hàng, mà còn giúp phát triển cá tính nhân vật thương hiệu của BAEMIN.
Mèo béo BAEMIN
Nguồn: ESight
Cuối cùng, meme giúp nhãn hàng chia sẻ những vấn đề, quan điểm, định nghĩa phức tạp và khó hiểu một cách độc đáo và ngắn gọn. Ví dụ rõ nhất cho công dụng này chính là bộ meme của Gucci theo concept “Feel That When”. Với những chi tiết vui nhộn pha lẫn một chút sang chảnh, thương hiệu này đã thành công quảng bá thiết kế đồng hồ mới của mình.
Vậy bài học rút ra từ những casestudy marketing bằng meme thành công là gì?
Quay trở lại với Insight Mất Lòng, có thể thấy đa số bài viết đều được đăng dưới dạng post trạng thái và không đi kèm ảnh. Hình thức này khá phổ biến trên Twitter và những dòng Tweet theo dạng này đều thu hút rất nhiều người theo dõi. Một cái tên đăng tải meme theo hình thức này có thể kể đến là nghệ sĩ Lil Nas X.
Hình thức bài đăng của Insight Mất Lòng cũng tương tự, họ đưa ra những sự thật và chia sẻ mất lòng từ những người trong ngành truyền thông một cách hài hước và thú vị.
Bài đăng của Insight Mất Lòng ngắn gọn và thu hút
Tuy nhiên, hình thức tiếp cận chỉ là một yếu tố, điều quan trọng nhất vẫn là đánh đúng Target Audience – Gen Z, đa số marketer hiện nay vốn là những người đã tiếp xúc và chịu ảnh hưởng từ văn hoá meme. Họ đọc, hiểu, thấy đúng và đồng cảm, rồi quyết định tương tác và theo dõi trang. Bên cạnh đó, giọng văn xéo sắc nhưng gần gũi của Insight Mất Lòng đã tạo cảm tình cho người đọc.
Theo quan điểm của tôi, page đưa ra quan điểm đúng, được ủng hộ bởi số đông và bảo vệ được quan điểm đó, nên những post với giọng xéo sắc của họ thực sự rất được lòng những người theo dõi, trong đó có cả tôi.
* Nguồn: Homiez Multimedia