Kỷ nguyên Web 3.0 – Vùng đất mới dành cho người sáng tạo nội dung (Phần 1)

Kỷ nguyên Web 3.0 – Vùng đất mới dành cho người sáng tạo nội dung (Phần 1)

Trong hành trình phát triển của Internet, chúng ta được chứng kiến rất nhiều giai đoạn bùng nổ của công nghệ, từ việc văn bản bằng giấy được chuyển đổi số cho đến những bức thư tay được chuyển thành các dòng tin nhắn được gửi đi trong vài giây. 

Sự phát triển này giúp con người xích lại gần nhau hơn bởi việc trao đổi thông tin giờ đây đã trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Song, không thể không kể đến những bất lợi khi Internet rơi vào tay những doanh nghiệp lớn. Một trong số đó là các dữ liệu thông tin bị “đánh cắp” và sử dụng cho mục đích riêng.

Vì lẽ đó, vào năm 2014, Web 3.0 (gọi tắt là Web3) ra đời nhằm giảm sự chi phối từ phía nhà cung cấp, mang lại sự công bằng đối với những người đang sử dụng Internet. Trước khi đi sâu về Web3, Madiad sẽ giúp bạn hiểu hơn về quá trình hình thành và sự phát triển của Internet để có được Web3 như ngày nay nhé!

WEB 1.0

Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2004, website vẫn còn khá xa lạ do sự hạn chế của trang thiết bị và độ hiểu biết của cộng động về nền tảng này còn kém. Đây là bước sơ khởi trong quá trình hình thành của Internet mà chúng ta gọi là Web1.

Web1 được khởi tạo bằng những cá nhân đơn lẻ và được lưu trữ tại máy tính của người tạo nên website đó. Chúng thường được sử dụng bởi các nhà lập trình am hiểu sâu về kỹ thuật. Tại thời điểm này, website tồn tại ở dạng tĩnh và người dùng chỉ có thể đọc nhưng không thể tương tác.

Giao diện Yahoo năm 1996 vẫn còn nhiều hạn chế

WEB 2.0

Đây là giai đoạn bùng nổ của Internet mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn đang sử dụng. Nhờ sự tối ưu, nhanh chóng cũng như giá thành rẻ của phần cứng và các trang thiết bị, việc truy cập và sử dụng Internet không những dễ dàng hơn rất nhiều mà còn trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với mỗi người.

Khả năng lưu trữ đám mây cùng việc tích hợp HTML trên website cũng giúp cho Web2 bùng nổ vì nhà phát triển website có thể thực thi được những ý tưởng trên không gian mạng một cách dễ dàng và tối ưu chi phí.

Trong thời kỳ này, các ứng dụng và website bắt đầu mọc lên như nấm. Khác với Web1, Web2 cho phép người dùng tương tác, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Google, Instagram, LinkedIn, YouTube, v,v. Đây cũng là nơi mà những người sáng tạo tìm đến để có được cơ hội thể hiện bản thân mình với thế giới.

WEB 3.0

Với Web1 và Web2, người dùng phải dựa vào nền tảng để lưu trữ dữ liệu cá nhân của mình. Việc sử dụng các mạng xã hội này bắt buộc chúng ta phải tin tưởng và không có cách nào khác để thoát khỏi lựa chọn giữa việc “sử dụng” hay “bảo mật thông tin cá nhân”. Qua đó cho thấy, các dữ liệu được tạo trên Internet từ những video thú vị, đoạn content chất lượng cho đến bài hát cuốn hút, tất cả đều bị kiểm soát và thiếu bảo mật, vô hình chung tạo ra sự bó buộc đối với những người sáng tạo. Dữ liệu bị lấy đi để kiếm tiền mà không có sự cho phép từ người tạo ra nó, và những tập đoàn này cũng không chia sẻ lợi nhuận hoặc chỉ có một phần nhỏ đối với sản phẩm mà người dùng tạo ra.

Do đó, Web3 ra đời nhằm tạo ra một nơi không bị tập trung quyền lực vào những “ông lớn”. Sự phân quyền của nền tảng mới này sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho người sáng tạo, giúp họ hoàn toàn được sở hữu được những tác phẩm mà họ tạo ra.

Web3 ra đời nhằm mang lại quyền tự do và sở hữu cho nhà sáng tạo

Vậy Web3 là gì? Tiềm năng của nó phát triển như thế nào trong kỷ nguyên số ngày nay? Cùng theo dõi và đón xem phần tiếp theo của bài viết này nhé!

Bài viết liên quan

Scroll to Top